Bí quyết phong thủy mang sinh khí vào nhà
Sinh khí là vô cùng quan trọng trong một căn nhà. Không có sinh khí tức là không có sức sống. Thiên khí, địa khí…phải được lưu thông hợp lý thì mới giúp gia chủ có sức khỏe, tài lộc.
Có nhiều gia đình xây nhà đồ sộ, đầu tư rất nhiều thiết bị để phục vụ cuộc sống, nhưng thể chất và tinh thần vẫn ngày một yếu đi, ấy là do gia chủ đã không chú ý tới cách bố trí nội thất và không gian để các dòng khí được lưu thông một cách hợp lý.
Một số bí quyết sau đây sẽ giúp nhà bạn tràn đầy sinh khí:
Lối vào và cửa
Trước tiên cần phải quan tâm đến việc bố trí và thiết kế cửa, vì cửa là nơi đón và thoát khí. Cửa chính đồng thời cũng chính là hướng nhà là yếu tố quan tâm hàng đầu của gia chủ. Từ xưa tới nay người Việt vẫn ưa thích cửa nhà quay về hướng Nam hoặc hướng Đông Nam để đón luồng gió lành.
Nếu đã chọn được hướng tốt thì phía trước cửa chính không nên có vật cản trở như cây to, cột điện để dòng khí được vận chuyển một cách thuận lợi vào nhà. Trong trường hợp hướng nhà không tốt, nhiều gia đình đã trồng cây cảnh hay để hòn non bộ ở phía kia của cửa chính làm vật cản giảm bớt ảnh hưởng của luồng khí độc và tạo ra sự đối xứng.
Tỷ lệ giữa các cửa và tường phải cân bằng.
Tỉ lệ giữa cửa chính và cửa phụ cũng là điều cần phải lưu tâm. Cửa chính phải to hơn cửa phụ (cửa hông) vì nếu ngược lại có nghĩa là khí thoát đi sẽ nhiều hơn khí vào – nhà sẽ bị mất nhiệt dẫn đến không khí lạnh lẽo. Xét về mặt hình thức kiến trúc điều này cũng hợp lý. Vì nhìn vào tỉ lệ người ta cũng phải biết đâu là cửa chính, hướng chính của nhà, đâu là hướng phụ.
Các cửa (các loại cửa đi và cửa sổ) trong nhà không nên bố trí theo một đường thẳng dẫn đến các không khí vẫn chuyển theo đường thẳng tạo thành luồng gió lùa mạnh không tốt cho sức khỏe. Khi các cửa được bố trí lệch nhau thì luồng khí sẽ tản đều trong phòng của bạn và mọi ngóc ngách trong phòng đều thoáng mát. Trong trường hợp các cửa được bố trí thẳng nhau, bạn nên đặt một vật trang trí làm vật cản để tản khí trong phòng.
Các cửa được bố trí lệch nhau thì luồng khí sẽ tản đều trong phòng.
Cầu thang và giếng trời
Cửa là yếu tố quan trọng lưu thông các dòng khí theo phương ngang, còn cầu thang và giếng trời là yếu tố lưu thông dòng khí theo phương thẳng đứng của ngôi nhà. Đôi khi cầu thang và giếng trời được kết hợp với nhau tạo thành một khoảng không gian thông thoáng để lấy sáng. Nếu thiết kế khéo đây sẽ là một khu vực rất đẹp của ngôi nhà. Các KTS đặc biệt rất lưu tâm đến yếu tố này của ngôi nhà.
Giếng trời phải thoáng, sạch sẽ, không nên quá sâu, tốt nhất là hình vuông thuận lợi cho việc lưu thông không khí. Nên ốp những loại gạch trang trí dễ lau chùi và không hút ẩm ở giếng trời để thuận tiện cho việc dọn vệ sinh trách ẩm mốc ảnh hưởng tới không khí toàn khu nhà.
Tương tự như vậy, cầu thang cũng nên rộng rãi, sáng sủa, đi lại thoải mái. Chiều dài của bậc thang trong nhà tối thiếu là 800mm, chiều rộng (b) bậc thông thường từ 250mm đến 300mm, chiều cao (h) của bậc thang khoảng từ 150 đến 180.
Công thức tính chiều dài và chiều cao bậc thang: 2h + b ≤ 600 mm.
Cầu thang hình cánh cung sẽ giúp cho việc vận chuyển khí được dễ dàng hơn đồng thời cũng làm không gian nhà bạn mềm mại độc dáo hơn, tuy nhiên nó cũng chiếm diện tích và phức tạp về mặt kỹ thuật.
Cầu thang hình cánh cung.
Một số những thủ pháp nhỏ sau đây có thể giúp nhà bạn đẹp và thoáng hơn:
Việc sử dụng lò sưởi sẽ giúp cho sự chuyển động của các dòng khí được tốt hơn vì nó là phương tiện thông gió theo chiều đứng qua các tầng, làm thay đổi không khí trong phòng vào mùa hè và tạo những luồng khí ấm áp vào mùa đông. Đồng thời lò sưởi cũng là vật trang trí hấp dẫn trong nhà.
Hạn chế cột ở giữa nhà vì nó làm cản trở các dòng khí lưu thông. Nếu buộc phải có chướng ngại vật này, thì hãy giấu đi bằng việc bao bọc các bề mặt của cột bằng các tấm gương có cạnh ghép sát vào nhau tạo cảm giác cột chìm vào trong không gian nhà.
Nhà không nên thấp hơn nền đường, trần nhà không nên quá thấp vì như vậy âm khí sẽ nhiều.
Lòng nhà quá hẹp so với chiều dài nhà cũng làm cho không khí bị tù túng. Giải phải cho vấn đề này là ngắt nhà ra làm nhiều đoạn bằng các khoảng sân trong, giếng trời.
Không gian sân trong.
Và cuối cùng, nhất thiết nhà bạn phải sạch sẽ, không ẩm mốc, tạo ra một môi trường sống trong lành thì không khí trong nhà bạn sẽ luôn tràn đầy sức sống và mọi công việc đều hanh thông thuận lợi.
Theo Báo Xây dựng
Cùng Danh Mục
Vì quyền lợi của Bạn:
» Tham khảo Chính sách Đảm Bảo về Giám Định Đá Quý…
» Tham khảo cách phân biệt vật phẩm thật giả, loại 1 và 3…