Phong thủy cho “xương sống” của ngôi nhà
Ngoài chức năng chính là tạo ra lối đi lại, cầu thang còn là một thiết kế độc đáo, là khung xương sống của ngôi nhà. Từ trục “xương sống” này, gia chủ có thể thoải mái thiết kế những mảng kiến trúc xung quanh…
Kiểu dáng
Có nhiều loại cầu thang với kiểu dáng khác nhau như cầu thang xoắn ốc, xoắn tròn, thẳng, hình chữ L… Có thể phân biệt cầu thang theo hai loại, thang thẳng và thang tròn. Thang thẳng có thể là loại một lượt khai hay ba lượt, giữa mỗi lượt có bố trí chiếu nghỉ hợp lý.
Bên cạnh đó đầu cầu thang mỗi tầng phải bố trí các hành lang giao thông vì thế kiểu cầu thang này thường chiếm nhiều diện tích và sẽ tạo ra nhiều khoảng tối.
Thang tròn là kiểu thang mà các bậc xoay quanh một trục nên tiết kiệm không gian hơn thang thẳng, rất thích hợp với những ngôi nhà có diện tích sàn hẹp. Tuy nhiên, bất lợi của loại thang này là khó đi và khó di chuyển đồ đạc…
Chọn cho căn nhà một kiểu cầu thang thích hợp vừa đẹp, độc đáo, vừa thuận tiện trong lưu thông thật không đơn giản chút nào.
Vài gợi ý nhỏ
Thang thẳng thiết kế đơn giản nhất nhưng chiếm khá nhiều diện tích và khó sắp đặt. Thang thẳng có thể là thang đổi chiều 180 độ hoặc là thang hình chữ L đổi chiều 90 độ ở phần chiếu nghỉ. Thang thẳng tạo cảm giác chắc chắn và tạo khoảng không khá lớn có thể tận dụng làm nhà kho dưới chân cầu thang. Không những thế, thang thẳng còn có tác dụng tạo ra những góc trang trí trong căn nhà diện tích vừa phải. Điểm yếu của loại cầu thang này là chỉ có thể đặt tại góc phòng, hoặc để làm vách ngăn hờ giữa các phòng như ngăn hờ giữa phòng khách và phòng ăn.
Thang tròn dễ bố trí sắp đặt hơn bởi bản thân thang tròn đã là một hình khối có tính thẩm mỹ cao. Với hình dáng uốn tròn hoặc xoắn ốc mềm mại từ tầng dưới lên tầng trên, thang tròn như một chiếc vương miện ôm lấy phòng khách, thang xoắn ốc lại tạo cảm giác căn phòng, ngôi nhà như cao, thoáng hơn.
Trong những căn phòng chật hẹp, luồng khí lưu thông không tốt nên dùng thang xoắn ốc để giúp luồng khí chuyển động liên tục, mạnh mẽ hơn là sử dụng cầu thang thẳng. Tuy nhiên, nhược điểm là khả năng điều hoà phân tán khi vào các phòng sẽ không đều như cầu thang thông thường khác. Nhưng với những ngôi nhà có diện tích hẹp như những căn nhà phố thì thang xoắn ốc chính là lựa chọn hợp lý nhất.
Chất liệu
Không thiếu các chất liệu có thể ứng dụng thiết kế cầu thang và lan can. Các chất liệu như gạch men, sắt, gỗ, inox, kính, mica, dây sắt được sử dụng nhiều nhất. Những chất liệu này có nhiều ưu điểm như dễ thi công, trang trí và bảo dưỡng. Chưa hết, những kết hợp như sắt với gỗ, kính với inox và gỗ… luôn tạo ra những điểm nhấn đẹp và hài hoà cho cầu thang và hợp tông thiết kế của căn phòng.
Tùy theo thiết kế và phong cách ngôi nhà mà chủ nhân có thể chọn chất liệu cho hợp lý. Nhà hiện đại, rộng rãi có thể chọn sắt, inox, dây cáp, kính, mica đi cùng các chi tiết đơn giản. Nhà phố hạn chế không gian, thiết kế cầu thang và chi tiết của lan can không nên cầu kỳ phức tạp bởi những thiết kế này chỉ thích hợp với các nhà biệt thự hoặc toà nhà lớn.
Cầu thang dùng nhiều chất liệu như gỗ, sắt, bê tông nhưng sắt được sử dụng nhiều vì dễ tạo hình. Nhỏ gọn nhất là cầu thang xoáy chôn ốc, thường được sử dụng trong không gian hạn hẹp nhưng vẫn có tính thẩm mỹ do kiểu dáng tạo nên.
Loại thang này có thể đặt ở phòng khách hay giữa nhà như một điểm nhấn trang trí. Cầu thang gỗ mang lại vẻ sang trọng ấm cúng, nhưng lại khó tạo ra nhưng chi tiết, đường cong nhỏ. Cầu thang sắt, inox dễ tạo hình nhưng lại khô cứng khi đặt trong những ngôi nhà có diện tích rộng như biệt thự, nhà vườn…
Thiết kế
Bậc và lan can cầu thang phải hài hoà với ngôi nhà, các chi tiết trang trí phù hợp, đẹp nhưng không có khả năng gây nguy hiểm cho gia chủ nhất là cho trẻ nhỏ. Bên cạnh đó việc đơn giản hoá các chi tiết trang trí cũng giúp cho việc bảo dưỡng, lau chùi vệ sinh được dễ dàng.
Khi thiết kế cầu thang xoắn ốc, nên lưu ý đến độ rộng của khoang cầu thang. Đường kính của nó phải đạt 1, 5 – 2m. Khoang cầu thang quá chặt sẽ tạo cảm giác khó chịu khi di chuyển. Mỗi đợt thang không được nhiều hơn 16 bậc nếu quá sẽ gây mỏi mệt khi lên xuống. Mỗi bậc thang lý tưởng nhất khi có chiều sâu bậc 25 – 30 cm, chiều cao bậc 15 – 18 cm. Độ dốc toàn cầu thang được coi là chuẩn khi không vượt quá 30 độ. Nếu cao hơn, đi lại sẽ cảm thấy mỏi mệt và gây ra tâm lý ngần ngại không muốn lên xuống.
Chiếu nghỉ của cầu thang cũng là một htiết kế vô cùng quan trọng. Chiếu nghỉ ở cầu thang có thể ở giữa thang nếu một đợt thang quá dài hoặc là ở giữa hai đợt thang nếu là thang đổi chiều. Lý tưởng nhất là sau khoảng 8 đến 10 bậc thang nên có một chiếu nghỉ, sẽ tạo cảm giác thoải mái, được nghỉ chân sau loạt bước lên xuống liên tục.
Theo Tiêu Dùng
Cùng Danh Mục
Vì quyền lợi của Bạn:
» Tham khảo Chính sách Đảm Bảo về Giám Định Đá Quý…
» Tham khảo cách phân biệt vật phẩm thật giả, loại 1 và 3…