Vị trí và kích thước của cửa theo phong thủy
Phong thủy còn cho rằng, nếu cửa lớn hơn mở vào phòng tắm sẽ làm cho người cư ngụ thường phải tiêu phí thì giờ vào những việc không đâu và thường gây ra những bệnh ở vùng bụng.
Sau khi xét vị trí để đặt các cửa, vấn đề thứ hai mà phong thủy quan tâm là kích thước của cửa trong mối tương quan giữa chúng với nhau, nhất là các cửa đối diện nhau. Một cửa ra vào lớn hơn cửa đối diện, nó có thể được xem là tốt hay xấu tùy từng trường hợp.
Ở đây phải xem xét cụ thể cửa lớn mở vào phòng nào và cửa nhỏ mở vào phòng nào. Có nghĩa là phải xem xét trên cơ sở công năng của các phòng và đặt chúng trong mối tương quan với nhau. Cũng có nghĩa phải xác định được trong hai phòng đó, phòng nào là chính và phòng nào là phụ.
Nguyên tắc cơ bản ở đây vẫn theo nguyên lý thông thường: Chính lớn hơn phụ là tốt, là thuận, là hợp lẽ tự nhiên, ngược lại mà phụ lớn hơn là xấu, là nghịch, là trái lẽ thường. Ngày xưa, nhà của quan phải nhỏ hơn cung vua, ấy là lẽ thường theo đạo quân thần. Nếu làm ngược lại, nhà quan mà lớn hơn cung vua ấy là trái đạo trời, là biểu hiện của sự tiếm quyền, bề dưới lấn lướt trên. Cũng vậy, phòng làm việc của nhân viên bây giờ không thể lớn hơn phòng của “sếp”, đó là điều bình thường.
Trở lại vấn đề đặt cửa, nếu cửa lớn mở vào phòng rộng như phòng khách hoặc phòng ngủ, còn cửa nhỏ hơn mở vào nhà kho hay phòng tắm thì đó là tốt, là hợp cách. Ngược lại, nếu cửa lớn hơn mở vào nhà bếp, nhà kho hay nhà tắm còn cửa nhỏ mở vào phòng ngủ thì rất xấu. Vì như vậy “phụ” sẽ lấn “chính”.
Cửa mở vào phòng khách, phòng ngủ phải lớn hơn cửa mở vào phòng tắm, nhà bếp hay nhà kho là hợp lẽ tự nhiên.
Theo nguyên lý thông thường “lớn luốt nhỏ”, ở đây, khí của nhà kho, bếp hoặc phòng tắm sẽ thông ra cửa lớn, lấn át, tràn vào phòng ngủ. Như vậy, mọi sinh hoạt ở nhà sẽ bị xáo trộn, không ổn định, giấc ngủ sẽ không tốt, chập chờn hoặc khi ngủ dậy sẽ rất mệt mỏi.
Phong thủy còn cho rằng, nếu cửa lớn hơn mở vào phòng tắm sẽ làm cho người cư ngụ thường phải tiêu phí thì giờ vào những việc không đâu và thường gây ra những bệnh ở vùng bụng. Gia chủ có thể bị những rối loạn về tiêu hóa hay bàng quang, hay có xu hướng đi khỏi nhà và tốn nhiều thì giờ để sửa soạn.
Nếu cửa lớn hơn mở vào nhà kho, người trong nhà sẽ có khuynh hướng để nhiều thời gian lo trang điểm. Còn nếu cửa lớn hơn mở vào nhà bếp, người trong nhà sẽ bị ám ảnh bởi sự nấu nướng và đồ ăn thức uống.
Để khắc phục tình trạng này, các nhà phong thủy thường khuyên người ta treo một cái gương trên cửa lớn hơn để chiếu vào phòng ngủ.
Phòng khách, phòng ngủ được coi là phòng chính trong mỗi căn nhà ở. Còn phòng tắm, nhà bếp hay nhà kho được coi là khu phụ. Cửa là nơi nối tiếp giữa không gian trong phòng với thế giới bên ngoài, cũng có thể coi là “bộ mặt” của mỗi ngôi nhà hoặc căn phòng.
Theo lẽ thường, chính phải lớn hơn phụ, do vậy cửa mở vào phòng khách, phòng ngủ phải lớn hơn cửa mở vào phòng tắm, nhà bếp hay nhà kho là hợp lẽ tự nhiên. Xét thực tế, phòng ngủ, phòng khách cũng thường có diện tích lớn hơn phòng tắm, nhà kho, vì vậy cửa mở lớn hơn cũng bảo đảm cân xứng về tỷ lệ giữa các kích thước, tạo mỹ quan cho căn phòng và cả ngôi nhà.
Ngược lại, cửa vào phòng ngủ, phòng khách nhỏ hơn sẽ mât cân đối, làm mất mỹ quan ngôi nhà. Phòng ngủ, mà nhất là phòng khách cần tạo không gian rộng rãi, thoáng đãng, vì vậy cửa phải mở lớn. Còn nhà kho, phòng tắm với công năng đặc biệt của mình lại cần sự kín đáo, vì vậy phải mở cửa nhỏ.
Còn nói rằng nếu cửa mở vào phòng tắm lớn hơn làm cho người trong nhà dễ bị bệnh vùng bụng là theo cách suy luận của phong thủy. Điều này ít có cơ sở, có chăng nếu cửa phòng tắm lớn, không khí kém trong lành của phòng này sẽ tràn ra ngoài, vào phòng ngủ gây ô nhiễm mà tổn hại đến sức khỏe của người trong nhà chăng?
Còn nói rằng cửa mở vào nhà kho lớn hơn sẽ tạo khuynh hướng để nhiều thời gian lo trang điểm, vậy chẳng lẽ những người hoạt động nghệ thuật (ca sĩ, diễn viên) là những người thường xuyên phải trang điểm thì cửa nhà kho của họ đều lớn hơn cửa phòng ngủ hay sao?
Cùng Danh Mục
Vì quyền lợi của Bạn:
» Tham khảo Chính sách Đảm Bảo về Giám Định Đá Quý…
» Tham khảo cách phân biệt vật phẩm thật giả, loại 1 và 3…