Địa thế phong thủy kì lạ của lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Cùng khám phá một vài bí mật phong thủy vô cùng mới mẻ mà hiếm ai hay biết về lăng mộ của Tần vương Doanh Chính nhé.
Người cổ đại cực kì coi trọng phong thủy, nhất là các bậc đế vương. Trong mỗi triều đại đều có sự xuất hiện của viên quan thông tường phong thủy.
Trong lịch sử Hoa Hạ, Tần Thủy Hoàng được ví là Thiên cổ nhất đế, là bậc đế vương nhất mực tôn quý, có tài năng bất phàm. Một người thông minh tuyệt đỉnh, túc trí đa mưu như vậy chắc chắn không thể nào coi nhẹ chuyện hậu sự được. Từ khi đăng cơ vào năm 13 tuổi, Tần Thủy Hoàng đã ấp ủ kế hoạch xây dựng một lăng mộ vĩ đại cho mình.
Tương truyền, lăng mộ Tần Thủy Hoàng được táng ngay trên long mạch của Trung Quốc, nhưng tại sao phong thủy tốt như vậy mà triều đại nhà Tần lại chẳng thể lâu dài, phải chăng phong thủy âm trạch nơi đây không thể tạo phúc cho con cháu đời sau?
Còn rất nhiều, rất nhiều những bí ẩn khác về phong thủy mà chúng ta chưa tìm được lời giải đáp. Hôm nay,chúng tôi sẽ chia sẻ với các bạn một vài bí mật phong thủy vô cùng mới mẻ mà hiếm ai hay biết về lăng mộ của Tần vương Doanh Chính nhé.
1. Địa thế phong thủy kì lạ của lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Theo những thông tin về khảo cổ và vị trí của đội quân binh mã làm bằng đất nung, các chuyên gia phán đoán rằng lăng mộ Tần Thủy Hoàng tọa Tây hướng Đông. Đây là địa thế khá kì lạ, bố cục hiếm thấy trong phong thủy âm trạch. Trong quan điểm phong thủy cổ đại, vị trí hướng Nam được cho là tôn quý, lăng mộ của đế vương từ thời cổ đại về cơ bản đều lựa chọn cách cục tọa Bắc hướng Nam. Vậy tại sao một bậc quân vương có tài thống nhất thiên hạ như Tần Thủy Hoàng lại chọn cách cục như thế cho lăng mộ của mình? Có rất nhiều luồng quan điểm trái ngược nhau giải thích cho chuyện này.
Có người cho rằng đó là bởi mong ước trường sinh bất lão của Tần vương không được trở thành hiện thực. Khi còn sống không thể thực hiện được điều đó nên chết đi, Tần vương muốn hướng về phương Đông để cầu thần tiên độ trì cho mình được tới nơi Thiên Quốc, đó có thể chính là ước nguyện lớn nhất của Tần vương trước khi khuất bóng trên đời. Với lý do đó, chẳng còn cách nào khác ngoài việc chọn lăng mộ tọa Tây hướng Đông.
Lại có quan điểm khác cho rằng, Tần Quốc nằm ở Tây bộ, nhằm thể hiện quyết tâm thống soái 6 nước Đông Phương nên ban đầu Doanh Chính đã chọn hướng của lăng mộ là hướng Đông. Sau khi thôn tính được 6 nước kia và thống nhất Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng lại muốn mình dù chết đi cũng vẫn có thể dõi theo tình hình đất nước, kiểm soát 6 nước Đông phương nên đã không thay đổi thiết kế ban đầu nữa, nhờ đó mà chúng ta thấy thế mộ tọa Tây hướng Đông như hiện giờ.
Người khác lại phân tích rằng thế mộ đó có liên quan đến phong tục của người nước Tần. Theo những tài liệu xưa còn ghi chép lại, vào thời đó, từ cung điện của hoàng đế, chư hầu, phủ đệ của quan lại tướng lĩnh cho đến nhà cửa của dân thường thì vị trí của chủ nhân căn nhà luôn là tọa Tây hướng Đông. Tần vương là người thiên hạ độc tôn, để bảo vệ địa vị tôn quý của mình, lăng mộ tọa Tây hướng Đông cũng là điều dễ hiểu.
Lý giải cho phong tục này của người nước Tần, người ta đã nghiên cứu khá sâu. Theo khảo sát, trong số 917 ngôi mộ của người nước Tần được phát lộ ở khu vực Thiểm Tây thì tuyệt đại đa số đều được táng theo cách cục này. 32 ngôi mộ lớn trong Tần công lăng viện cũng hoàn toàn là quay đầu về hướng Đông. Đó là đặc điểm rất riêng trong mộ táng của người nước Tần, niên đại càng sớm thì điều này càng thể hiện rõ ràng.
Người nước Tần cho rằng tổ tiên của họ khởi nguồn từ phương Đông, đó là nơi tổ tiên từng sống nên trong lòng mình, phương Đông luôn có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Song địa thế hiểm trở, đường xẫ xôi, lại bị kẻ địch mạnh trấn giữ nên mong ước “lá rụng về cội” của người nước Tần trở nên vô cùng xa xôi, chỉ đành táng mộ hướng về phương Đông để tỏ lòng uống nước nhớ nguồn, không quên gốc rễ tổ tiên.
2. Tại sao địa thế phong thủy tốt song triều đại nhà Tần sớm bị diệt vong?
Lăng mộ Tần vương được đặt ở Ly Sơn, thuộc tỉnh Thiểm Tây. Mộ được táng dưới chân núi, theo kiến thức phong thủy âm trạch thì đây là thế mộ khá đẹp, tượng trưng cho việc con cháu đời sau có thể hưởng ơn mưa móc của tổ tiên, sau lưng lúc nào cũng có chỗ dựa.
Trong lăng mộ thì núi nằm ở phía Nam còn nước nằm ở phía Bắc. Theo quan niệm phong thủy cổ xưa thì “Đầu tựa núi, chân đạp sông, con cháu đời đời giàu tài lộc”. Xét theo đó thì lẽ ra phúc lộc đế vương phải truyền từ đời Tần Thủy Hoàng cho lớp lớp cháu con, triều đại nhà Tần phải trường tồn vĩnh cửu. Nhưng tại sao đời nhà Tần chỉ truyền được đến đời thứ ba thì bị tuyệt diệt?
Ý đồ của lăng mộ là để “bộ bộ đăng cao”, tức tổ tiên nâng đỡ cho con cháu càng ngày càng phát triển. Theo phong thủy âm trạch, muốn tạo được hiệu quả như thế thì ngôi mộ phải tọa Bắc hướng Nam, tức đầu ở phương Bắc, chân xoay về phương Nam, ở chân mộ tiếp tục táng cho hậu thế.
Tuy nhiên, mọi chuyện được làm ngược lại ở lăng mộ Tần Thủy Hoàng khi mà núi tựa đầu nằm ở hướng Nam còn sông đạp chân lại nằm ở hướng Bắc của lăng. Thế mộ này khiến cho con cháu đời sau bị tuyệt phúc, đoạn tử tuyệt tôn, càng ngày càng suy kiệt.
Trong phong thủy cổ đại, “thủy” được gọi là “khảm”. Lăng mộ Tần vương khiến cho con cháu đời sau bị dẫm chân xuống nước sâu, khiến cho họ dễ dàng chết chìm trong khảm sâu muôn thước. Chính vì vậy, có nhiều quan điểm cho rằng lăng mộ Tần Thủy Hoàng là một thất bại cực kì lớn về phong thủy, là nguyên nhân chủ yếu khiến cho triều đại nhà Tần sớm lâm vào cảnh diệt vong.
3. Tại sao phong thủy âm trạch không tốt nhưng Tần Thủy Hoàng vẫn chọn nơi đó táng mộ?
Theo truyền thuyết, vào thời Tần Thủy Hoàng có một vị thầy phong thủy tiếng tăm lẫy lừng, song con trai con gái của người này đều bị quân nhà Tần bắt đi xây dựng Trường Thành, chịu nhiều khổ cực, bị bức hại mà chết. Ôm lòng oán hận, thầy phong thủy này tìm đủ mọi cách để tự tiến cử mình với quan lại triều đình, lại nói sẽ giúp Tần vương chọn đất làm lăng mộ, để triều đại nhà Tần được hưng vượng mãi mãi.
Nghe danh tiếng của vị thầy phong thủy đó, lại không biết rõ nguồn cơn sự việc nên tất cả mọi người đều hoàn toàn tin tưởng vào lời nói của ông ta. Kỳ thực, mục đích thực sự của thầy phong thủy này chính là khiến cho cả triều đại nhà Tần sớm lâm vào cảnh diệt vong, trả thù cho con cháu của mình.
Chúng ta đều biết Tần vương Doanh Chính sinh năm 259 trước Công nguyên, là năm Nhâm Dần. Nói cách khác, Tần vương là người tuổi Dần, mà người tuổi Dần tọa tại Ngọ Sơn thì quả thực không tồi. Ngọ Sơn ở đây chính là Nam Sơn, Nam Sơn là Mã Sơn. Dần Ngọ Tuất là Tam hợp Hỏa cục, chọn nơi này để táng người tuổi Hổ thì được Tam hợp cục nâng đỡ, tốt cho phúc khí sau này.
Tuy nhiên vì phía Bắc của núi xuất hiện nước, chi tiết này dù rất nhỏ nhưng ngược lại ảnh hưởng vô cùng lớn, bởi nó tạo ra cách cục tương xung tương sát. Bởi vậy mới nói, vị thầy phong thủy kia quả thực đã lao tâm khổ tứ để nghĩ ra thế mộ tổn hại cho hậu thế theo phong thủy âm trạch, dùng kiến thức phong thủy thâm sâu của mình để qua mắt vị đế vương trí dũng song toàn nhưng vô cùng tàn bạo kia. Cứ thế, Tần Thủy Hoàng băng hà chưa được bao lâu thì Tần quốc đã xảy ra chiến loạn, cuối cùng bị Hạng Vũ nước Sở thôn tính.
Cùng Danh Mục
Vì quyền lợi của Bạn:
» Tham khảo Chính sách Đảm Bảo về Giám Định Đá Quý…
» Tham khảo cách phân biệt vật phẩm thật giả, loại 1 và 3…